Friday, November 1, 2013

Quốc gia khởi nghiệp - Kỳ cuối

Quốc gia khởi nghiệp - Kỳ cuối:
Những cú nhảy vọt

CEO kiêm chủ tịch Google, ông Eric Schmidt, nói rằng Mỹ là điểm đến số một cho các doanh nghiệp, nhưng “sau Mỹ, Israel là nơi tốt nhất”. CEO của Microsoft Steve Ballmer đã gọi Microsoft là một “doanh nghiệp Israel”, vì số lượng và vai trò trung tâm của đội ngũ nhân viên người Israel trong công ty này.

Sa mạc dần bị đẩy lùi

Tỉ phú Mỹ Warren Buffett đã tự phá vỡ nguyên tắc trong nhiều thập niên là không bao giờ mua các công ty nước ngoài - bằng việc thâu tóm ISCAR Metalworking, một doanh nghiệp Israel với giá 4,5 tỉ đôla, ngay trước thời điểm xảy ra cuộc chiến giữa Israel và Libăng năm 2006. Thật khó để các doanh nghiệp công nghệ không để mắt đến Israel. Gần một nửa các công ty công nghệ hàng đầu thế giới đã mua lại các doanh nghiệp mới thành lập của Israel, hoặc mở các trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) tại đây. Chỉ riêng Hãng Cisco đã mua lại chín doanh nghiệp của Israel và vẫn đang tiếp tục công cuộc tìm kiếm.

Câu chuyện về phương thức giúp Israel đạt được thành tựu như hiện nay - tăng trưởng kinh tế 50 lần trong vòng 60 năm - không chỉ xoay quanh nét lập dị trong văn hóa của người Israel, bản lĩnh kinh doanh được tôi luyện trên chiến trường hay yếu tố ngẫu nhiên mang tính địa chính trị. Lịch sử nền kinh tế Israel là một hành trình gồm hai bước tiến vĩ đại, bị chia cắt bằng một giai đoạn kinh tế đình trệ và lạm phát tăng cao. Những chính sách kinh tế vĩ mô của chính phủ đã đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tốc độ tăng trưởng của đất nước rồi đảo ngược và giải phóng nó theo những cách mà ngay cả chính phủ cũng không mong đợi.

Bước tiến vĩ đại đầu tiên diễn ra từ năm 1948-1970, giai đoạn thu nhập bình quân đầu người tăng gần gấp bốn lần và dân số Israel tăng gấp ba lần, thậm chí giữa giai đoạn Israel đang tham gia ba cuộc chiến lớn. Lần thứ hai là từ năm 1990 đến nay, giai đoạn Israel chuyển mình từ một vùng ao tù nước đọng trở thành một cường quốc công nghệ. Trung tâm của cú nhảy vĩ đại đầu tiên là một phát kiến xã hội mà quy mô không hề tương xứng với tầm ảnh hưởng địa phương và quốc tế của chính nó: nông trang (kibbutz).

Ngày nay, tuy chiếm chưa đến 2% dân số Israel, song những nông trang sản xuất đến 12% lượng hàng hóa xuất khẩu của cả nước. Được tạo ra như các khu định cư nông nghiệp nhằm xóa bỏ sự tư hữu và đem lại bình đẳng cho toàn dân, phong trào đã phát triển trong suốt 20 năm tiếp theo, lên thành 80.000 người sống trong 250 cộng đồng, song con số này vẫn chỉ chiếm 4% dân số Israel. Tuy nhiên ngày nay các nông trang đã đóng góp 15% thành viên của Knesset - tên gọi Quốc hội Israel - và một con số còn lớn hơn thế cho lực lượng sĩ quan và phi công của quân đội Israel.

Sự trỗi dậy của nông trang một phần là kết quả của những đột phá trong công nghệ và nông nghiệp do các nông trang và trường đại học của Israel thực hiện. Bất lợi của quốc gia khi có một phần lãnh thổ bị sa mạc hóa đã được chuyển hóa thành của cải. Nhìn vào Israel hôm nay, hầu hết du khách sẽ ngạc nhiên khi biết 95% diện tích của đất nước này bị xếp vào nhóm bán khô hạn, khô hạn hoặc rất khô hạn dựa vào lượng mưa hằng năm. Thật vậy, khi mới lập quốc, sa mạc Negev xâm lấn sâu lên phía bắc, giữa Jerusalem và Tel Aviv. Vẫn là vùng đất lớn nhất Israel, nhưng tiến trình xâm thực của sa mạc Negev đã bị đảo lộn khi vùng đất phía bắc của nó đã phủ đầy các cánh rừng và các cánh đồng nông nghiệp do con người trồng. Phần lớn điều này đạt được là nhờ các chính sách thủy lợi sáng tạo từ thời của Hatzerim. Ngày nay Israel dẫn đầu thế giới về tái chế nước thải: hơn 70% lượng nước được tái chế, tỉ lệ gấp ba lần tại Tây Ban Nha, quốc gia đứng vị trí thứ hai.

Nông trang Mashabbe Sade, cũng trong sa mạc Negev, còn đi xa hơn: những thành viên nông trang đã tìm ra cách sử dụng nước tái chế không chỉ một mà những hai lần. Họ đã đào giếng sâu bằng chiều dài mười sân bóng đá và phát hiện nguồn nước vừa ấm vừa mặn. Điều này không có vẻ gì là tuyệt vời, cho đến khi họ tham khảo ý kiến từ giáo sư Samuel Appelbaum của Trường đại học Ben-Gurion tại Negev: ông nhận ra đây là nguồn nước hoàn hảo để nuôi cá nước ấm.

Các nông trang viên bắt đầu bơm nguồn nước nóng 37OC vào trong các bể chứa cá rô phi, cá chẽm và cá vược để sản xuất thương mại. Sau khi được dùng trong bể cá, chỗ nước chứa chất thải của cá giờ lại là nguồn phân bón hoàn hảo cho các rặng cây chà là và ôliu. Các nông trang cũng tìm ra cách trồng rau và cây ăn trái được tưới trực tiếp bằng nguồn nước ngầm.

Một thế kỷ trước, Israel đã được Mark Twain và nhiều du khách khác miêu tả là vùng đất phần lớn cằn cỗi. Giờ đây nơi này có khoảng 240 triệu cây xanh do hàng triệu người cùng trồng. Tháng 12-2008, Đại học Ben-Gurion chủ trì một hội nghị chống sa mạc hóa lớn nhất thế giới do Liên Hiệp Quốc tài trợ. Các chuyên gia đến từ 40 nước háo hức được tận mắt chứng kiến tại sao Israel là quốc gia duy nhất mà sa mạc đang dần bị đẩy lùi.

Con đường tiên phong mới là sáng tạo ra cái mới

Câu chuyện nông trang chỉ là một phần của quỹ đạo chung trong cuộc cách mạng kinh tế Israel. Từ năm 1950 đến hết năm 1955, kinh tế Israel tăng trưởng khoảng 13% mỗi năm. Những năm 1960, mức tăng trưởng hằng năm tiếp tục đạt khoảng 10%. Nền kinh tế Israel không chỉ mở rộng mà còn trải qua điều mà các nhà kinh tế gọi là “cú nhảy vọt”, diễn ra khi một nước đang phát triển thu hẹp khoảng cách thu nhập theo đầu người với những quốc gia giàu có ở thế giới thứ nhất.

Những khoản đầu tư khổng lồ của Israel dành cho các dự án như hệ thống dẫn nước quốc gia Israel, dẫn nước biển Galilee từ phía bắc xuống vùng Negev khô hạn ở phía nam đã giúp kích thích tốc độ tăng trưởng cao. Sự phát triển thần tốc của nhà cửa ở các nông trang đã tạo ra tăng trưởng trong xây dựng và các ngành dịch vụ. Bộ trưởng quốc phòng Shimon Peres và Al Schwimmer, một người Mỹ từng buôn lậu máy bay và vũ khí vào Israel trong suốt cuộc chiến độc lập, đã nuôi giấc mơ tạo dựng ngành công nghiệp hàng không của Israel. Khi họ trình bày ý tưởng với Chính phủ Israel vào những năm 1950, phản ứng họ nhận được đi từ sự hoài nghi đến giễu cợt. Vào thời điểm đó, hàng hóa thiết yếu như sữa và trứng vẫn còn khan hiếm, và hàng ngàn người tị nạn mới đến vẫn phải sống trong lều, nên không có gì ngạc nhiên khi hầu hết các vị bộ trưởng đều nghĩ rằng Israel không đủ khả năng và cũng khó thành công với nỗ lực đó. Nhưng Peres đã thuyết phục được David Ben-Gurion rằng Israel có thể bắt đầu sửa chữa các máy bay còn lại từ Thế chiến II. Họ thành lập một doanh nghiệp lớn nhất ở Israel khi đó là Bedek. Ngày nay Bedek trở thành Israel Aircraft Industries, doanh nghiệp dẫn đầu thế giới trong lĩnh vực hàng không.

Nhưng điều ấn tượng lớn hơn là quốc gia non trẻ Israel, chỉ mới hơn 60 tuổi, đã chuyển đổi bản thân từ một quốc gia tỉnh lẻ và bị cô lập để trở thành một quốc gia thịnh vượng về mặt công nghệ cao chỉ ba thập kỷ sau.



Các doanh nhân Israel ngày nay cảm nhận được “việc bạn sáng chế ra cái gì đó đã là cách hợp pháp để tạo ra lợi nhuận” như Erel Margalit, một trong những doanh nhân hàng đầu Israel, nói. “Bạn không chỉ mua bán hàng hóa, bạn không chỉ là một người làm về tài chính. Bạn đang làm điều gì đó cho nhân loại. Bạn đang sáng chế một loại thuốc mới hay con chip mới.

Bạn giống như một falah (“nông dân” trong tiếng Ả Rập), một nông dân trong cánh đồng công nghệ cao. Bạn chân lấm tay bùn. Bạn làm cùng với những đồng chí trong đơn vị quân đội. Bạn nói chuyện về một cách sống - không nhất thiết là việc bạn kiếm được bao nhiêu tiền, mặc dù rõ ràng nó là về chuyện đó”. Với Margalit, sự sáng tạo và công nghệ chính là phiên bản thế kỷ 21 của việc vác cày ra đồng. “Con đường tiên phong mới, bài kể chuyện của những người theo chủ nghĩa phục quốc chính là việc tạo ra những thứ mới”, ông nói. Đề tài này có thể truy ngược từ quan điểm sáng lập của Israel. Những người lập nên nhà nước hiện đại này - hay những doanh nhân quốc gia - đã xây dựng một “quốc gia khởi nghiệp” đầu tiên trong lịch sử.



DAN SENOR - SAUL SINGER (TRÍ VƯƠNG dịch)

“Đất đai cằn cỗi, láng giềng thù địch. Hành trình cổ xưa từ Ai Cập đến Israel, dân tộc Do Thái chúng ta đã phải băng qua sa mạc khổng lồ, thì nay, khi quay về, ngôi nhà của chúng ta vẫn là hoang mạc. Chúng ta đã phải xây dựng mọi thứ từ đầu. Như những con người nghèo khó trở về ngôi nhà trên mảnh đất tồi tàn của mình, chúng ta phải khám phá sự giàu có trong khan hiếm. Vốn liếng duy nhất mà chúng ta có thể sử dụng chính là con người”.

SHIMON PERES (nguyên tổng thống Israel)

Quốc gia khởi nghiệp - Kỳ 4

Quốc gia khởi nghiệp - Kỳ 4:
Nhà nước mở cửa

Học sinh Trường trung học Shevach-Mofet đã chờ được một lúc, với sự háo hức thường dành cho các ngôi sao nhạc rock. Hai người Mỹ bước vào qua cửa hậu, bắt tay cánh phóng viên và những nhóm người xung quanh. Đây là chặng dừng chân duy nhất của họ tại Israel, ngoài Văn phòng thủ tướng.

Những người sáng lập Google sải bước vào hội trường và đám đông reo lên. Những học sinh không thể tin vào mắt mình. “Sergey Brin và Larry Page... đang ở trong trường chúng tôi” - một học sinh tự hào nhớ lại. Điều gì đã khiến cặp đôi lừng danh nhất thế giới công nghệ đến ngôi trường Israel này mà không phải nơi nào khác?

Từ choáng ngợp...

Câu trả lời có ngay khi Sergey Brin cất lời. “Thưa các quý ông và quý bà, các chàng trai và cô gái”, anh nói bằng tiếng Nga, sự lựa chọn ngôn ngữ này tạo ra tràng pháo tay không dứt. “Tôi rời Nga khi mới 6 tuổi” - Brin tiếp tục - Tôi đến Mỹ. Giống như các bạn, cha mẹ tôi là người Nga gốc Do Thái điển hình. Cha tôi là giáo sư toán. Họ đều có quan điểm nhất định với việc học. Và tôi nghĩ mình có thể liên hệ với nơi này, vì tôi được kể rằng trường các bạn gần đây đã giành được bảy trong tổng số 10 giải thưởng tại một cuộc thi toán toàn quốc”.

Hầu hết học sinh tại Shevach-Mofet, giống Brin, đều là thế hệ thứ hai của người Nga gốc Do Thái. Shevach-Mofet tọa lạc tại khu vực công nghiệp ở phía nam Tel Aviv, phần nghèo hơn của thành phố, và nhiều năm liền nổi danh là một trong những ngôi trường khó ưa nhất thành phố. Đầu những năm 1990, khi những làn sóng người Nga gốc Do Thái bắt đầu đổ bộ vào Israel sau sự sụp đổ của Liên bang Xô viết, ngôi trường trở thành một trong những trường tệ nhất thành phố, chủ yếu được biết đến do nạn phạm tội. Đây cũng là một đặc tính mà những người nhập cư mới đem theo đến Israel.

Tuy nhiên, dân nhập cư lại góp phần tạo ra phép mầu kinh tế Israel. Lúc mới lập quốc năm 1948, dân số Israel là 806.000 người. Ngày nay, con số này là gần 8 triệu người, dân số của đất nước đã tăng gần chín lần trong 60 năm. Dân số đã tăng gấp hai chỉ trong vòng ba năm đầu tiên, khiến chính quyền mới hoàn toàn choáng ngợp. Công dân Israel sinh tại nước ngoài hiện chiếm hơn 1/3 dân số cả nước. Trong số mười người Do Thái Israel thì có chín người là dân nhập cư, hoặc là con cháu thế hệ thứ nhất hay thứ hai của dân nhập cư.

Israel giờ đây là nhà của hơn 70 quốc tịch và nền văn hóa khác nhau. Đây thật sự là một thách thức không nhỏ khi phải nghĩ cách làm gì với dòng người nhập cư tuy rất tài năng, nhưng phải đối mặt với rào cản về ngôn ngữ, văn hóa và cả tệ nạn. Ngày nay, bước chân vào một doanh nghiệp khởi nghiệp hay trong một trung tâm R&D lớn ở Israel, bạn có thể tình cờ nghe nhân viên nói tiếng Nga. Nỗ lực vươn đến sự xuất sắc tràn ngập khắp Shevach-Mofet, và nó cũng phổ biến giữa làn sóng người nhập cư mới nói trên, lan tỏa khắp ngành công nghệ Israel. Ít ai biết là ngay từ đầu có một nhân tố khiến vai trò của làn sóng nhập cư đến Israel trở nên độc đáo: những chính sách của Chính phủ Israel được triển khai để đồng hóa những người mới đến.

Đến cam kết sẽ “mang đến 1 triệu người nhập cư nữa”

Sau khi Thế chiến thứ hai kết thúc và nạn diệt chủng người Do Thái được biết đến nhiều hơn, các nước phương Tây vẫn không sẵn lòng chào đón những người Do Thái sống sót. Với nhiều người Do Thái lúc đó, họ thật sự không còn chốn dung thân theo đúng nghĩa đen. Nhận thức sâu sắc lịch sử này, khi chế độ thuộc địa của Anh ở Palestine hết hiệu lực, vào ngày 14-5-1948, “Bản tuyên ngôn lập quốc của Nhà nước Israel” đã được Hội đồng nhân dân Do Thái ban hành. Trong đó nêu rõ: “Thảm họa gần đây ập lên số phận người Do Thái - vụ thảm sát hàng triệu người Do Thái ở châu Âu - là một minh chứng rõ ràng về sự cấp bách trong việc giải quyết tình trạng vong quốc của chúng ta. Nhà nước Israel sẽ mở cửa cho người nhập cư Do Thái”.

Israel trở thành quốc gia duy nhất trong lịch sử dứt khoát nêu trong văn kiện lập quốc sự cần thiết của một chính sách nhập cư tự do. Năm 1950, chính phủ mới của Israel củng cố bản tuyên ngôn bằng Luật hồi quốc, đến tận ngày nay vẫn đảm bảo “mọi người Do Thái đều có quyền đến với đất nước này” mà không có hạn ngạch số lượng. Luật này cũng định nghĩa một người Do Thái là “một người sinh ra từ mẹ là người Do Thái, hoặc đã cải đạo sang đạo Do Thái”. Quyền công dân Israel cũng được cấp cho cả vợ hoặc chồng không phải người Do Thái, cho trẻ em không phải người Do Thái và cháu của người Do Thái cũng như vợ hoặc chồng của họ.

Điều quan trọng nhất là việc Israel có thể là nước duy nhất tìm cách tăng số lượng dân nhập cư, và không chỉ cho người thuộc dân tộc thiểu số hoặc kinh tế kém. Công việc chào đón và khuyến khích dân nhập cư chiếm một vị trí trong nội các với một bộ chuyên trách vấn đề này. Không giống Sở Di trú Hoa Kỳ, duy trì một trong những chức năng chính là giữ người nhập cư ở ngoài; Bộ Tiếp nhận và nhập cư Israel chỉ tập trung vào việc mang người nhập cư về nước. Nếu người Israel nghe thấy trên đài phát thanh rằng lượng người nhập cư trong năm giảm, đây được xem là tin xấu, giống như việc năm đó thiếu lượng mưa cần thiết. Trong suốt mùa bầu cử, các ứng viên cho chức thủ tướng từ nhiều đảng phái khác nhau đều thường xuyên cam kết sẽ “mang đến 1 triệu người nhập cư nữa” trong nhiệm kỳ của họ.

Trong bối cảnh đó, chính quyền Israel đã xem việc giúp người nhập cư hòa nhập vào xã hội là mục tiêu chính của Bộ Tiếp nhận và nhập cư Israel. Đào tạo ngôn ngữ là một trong những ưu tiên khẩn cấp và toàn diện của chính phủ này. Ngày nay, cơ quan này vẫn tổ chức những khóa học tiếng Hebrew miễn phí cho dân nhập cư: năm giờ mỗi ngày, trong ít nhất sáu tháng. Chính quyền thậm chí còn cung cấp một khoản trợ cấp cho phí sinh hoạt trong thời gian học tiếng, để người nhập cư có thể tập trung vào việc học ngôn ngữ mới thay vì bị phân tâm chỉ học cho xong. Để công nhận nền giáo dục nước ngoài, Bộ Giáo dục Israel duy trì Phòng đánh giá bằng cấp nước ngoài. Chính quyền cũng tiến hành những khóa học để giúp người nhập cư chuẩn bị cho các kỳ thi chứng chỉ nghề nghiệp. Còn Trung tâm Tiếp nhận khoa học có nhiệm vụ phối hợp các nhà khoa học mới đến với những người lao động Israel, Bộ Tiếp nhận điều hành các trung tâm khởi nghiệp, hỗ trợ vốn để lập công ty khởi nghiệp.

Trong lúc nhiều nước liên tục than vãn về việc bị nước ngoài thu hút các tinh hoa doanh nhân và học giả, những người Israel cho rằng “chảy máu chất xám” không hẳn là đường một chiều. Đúng hơn, giới nghiên cứu môn di cư quốc tế ngày càng nhận ra một hiện tượng họ gọi là “lưu chuyển chất xám”, theo đó người tài sẽ ra đi và định cư ở nước ngoài rồi lại quay về cố hương, chứ không hoàn toàn “bỏ rơi” một trong hai nơi này. Một nghiên cứu được Ngân hàng Thế giới công bố: “Trung Quốc, Ấn Độ và Israel được hưởng nguồn đầu tư hoặc bùng nổ công nghệ trong hơn một thập kỷ qua, và những đợt bùng nổ này được liên kết với nhau bởi sự lãnh đạo từ cộng đồng những người làm việc ở hải ngoại của cả ba nước này”.

Với Israel, trong quá khứ đa số nhà đầu tư Mỹ gốc Do Thái thường không quan tâm đến nền kinh tế Israel. Phải rất lâu sau khi Israel đã thành công hơn, nhiều người Do Thái hải ngoại mới bắt đầu nhìn Israel như một điểm đến để kinh doanh, thay vì là nơi chỉ để làm từ thiện hay biểu lộ lòng từ tâm. Vậy nên Israel cần phải sáng tạo trong việc sử dụng cộng đồng Do Thái hải ngoại để thúc đẩy kinh tế. Truyền thống của Israel trong việc nhờ cậy cộng đồng Do Thái hải ngoại - vốn nhỏ nhưng tâm huyết - để xây dựng đất nước bắt nguồn từ chính những định chế của nó, chẳng hạn như không quân Israel.

Gidi Grinstein từng là cố vấn cho cựu thủ tướng Ehud Barak và là thành viên của nhóm đàm phán Israel tại hội nghị Trại David năm 2000 với Tổng thống Mỹ Bill Clinton và nhà lãnh đạo Palestine Yasser Arafat. Ông đã tách ra và thành lập trung tâm ý tưởng Reut Institute của riêng mình, tập trung vào việc làm thế nào để Israel có thể trở thành một trong số 15 nước giàu nhất thế giới vào năm 2020. Ông nêu luận điểm: “Một hoặc hai thế hệ trước đây, ai đó trong gia đình chúng tôi đã gói ghém đồ đạc rất nhanh và bỏ đi. Người nhập cư không ngại làm lại từ đầu. Theo định nghĩa, họ là những người dám mạo hiểm. Một quốc gia của người nhập cư là một quốc gia của tay chơi khởi nghiệp”.

DAN SENOR - SAUL SINGER
(TRÍ VƯƠNG dịch)


 

Thursday, October 31, 2013

Quốc gia khởi nghiệp - Kỳ 3

Quốc gia khởi nghiệp - Kỳ 3:

Trong khi học sinh trung học nước khác bận rộn với việc chọn trường đại học nào thì học sinh Israel lại cân nhắc những giá trị khác nhau của các đơn vị quân đội. Cũng như học sinh ở những nơi khác đang nghĩ cần phải làm gì để thi vào trường tốt nhất, nhiều học sinh Israel lại đang định hướng bản thân để được tuyển dụng vào các đơn vị của quân đội Israel.

Bạn đã ở đơn vị nào trong quân đội?


Từ năm 1950, Israel đã có Luật hồi quốc, đảm bảo “mọi người Do Thái đều có quyền đến với đất nước này”. Israel cũng đảm bảo không để “chảy máu chất xám”, vì người ra đi rồi cũng sẽ hồi hương.

Áp lực thi tuyển vào những đơn vị này thật sự tăng lên khi các thiếu niên Israel tròn 17 tuổi. Mỗi năm, những lời xì xào bàn tán giữa học sinh trung học và học sinh cuối cấp lan khắp Israel. Ai được yêu cầu thử sức trong khóa huấn luyện phi công? Ai sẽ vào “sayarot”, đơn vị biệt kích của hải quân, lính dù, lữ đoàn bộ binh, và khắt khe nhất là Sayeret Matkal, đơn vị lính biệt kích trực thuộc tham mưu trưởng quân đội? Học sinh nào sẽ được yêu cầu thử sức trong những đơn vị tình báo tinh hoa như 8200, nơi Shvat Shaked và người đồng sáng lập của Fraud Sciences từng phục vụ? Và ai sẽ được chọn vào Talpiot, đơn vị kết hợp huấn luyện công nghệ với tất cả hoạt động của những đơn vị biệt kích hàng đầu?

Ở Israel, một năm trước khi đủ tuổi nghĩa vụ quân sự, mọi thanh niên nam nữ 17 tuổi đều phải đến trình diện tại các trung tâm tuyển quân của quân đội Israel để trải qua đợt sơ tuyển kéo dài một ngày. Cứ đến 18 tuổi, người Israel vào quân đội tối thiểu từ hai đến ba năm. Nếu sau đó không tiếp tục tại ngũ, họ thường vào đại học. “Tỉ lệ người Israel vào đại học sau khi giải ngũ là rất lớn nếu so với bất kỳ đâu trên thế giới”, Gary Shainberg - phó chủ tịch phụ trách lĩnh vực sáng tạo và công nghệ của Hãng British Telecom - nói. Theo số liệu của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), 45% người Israel có trình độ đại học, thuộc nhóm cao nhất thế giới. Và theo niên giám cạnh tranh toàn cầu mới đây của Viện Quản lý phát triển quốc tế (IMD), Israel xếp thứ hai trong số 60 quốc gia phát triển theo tiêu chí “có nền giáo dục đại học đáp ứng nhu cầu của một nền kinh tế cạnh tranh”.

Khoảng 30 quốc gia có chế độ nghĩa vụ quân sự bắt buộc kéo dài hơn 18 tháng. Trong nhóm các nước phát triển chỉ có ba nước yêu cầu thời gian phục vụ trong quân đội dài hạn là Israel, Hàn Quốc và Singapore. Không có gì ngạc nhiên vì ba nước này đều đối mặt với sự đe dọa thường trực hoặc từng trải qua những cuộc chiến sinh tử gần đây. Trong khi rất khó lọt vào các trường đại học hàng đầu của Israel thì những cơ sở đào tạo quốc gia được xem là ngang hàng với Harvard, Princeton và Yale chính là các đơn vị tinh nhuệ của quân đội Israel. Các đơn vị mà những ứng viên này từng phục vụ có thể cho nhà tuyển dụng tương lai biết người đó đã trải qua những quy trình tuyển chọn nào, cũng như những kỹ năng và kinh nghiệm liên quan mà họ đã có. “Ở Israel, quá khứ quân ngũ của một người đôi khi còn quan trọng hơn quá khứ học hành của họ. Một trong những câu hỏi thường xuất hiện trong buổi phỏng vấn là: Bạn đã phục vụ ở đơn vị nào trong quân đội?”, Gil Kerbs nói. Ông là cựu sĩ quan tình báo, hiện đang làm việc trong ngành đầu tư mạo hiểm của Israel và chuyên về thị trường công nghệ của Trung Quốc. “Trên Internet có những quảng cáo tuyển dụng đề rõ: Chỉ nhận cựu sĩ quan 8200”, ông nói.

Gary Shainberg lý giải: “Tất cả điều này làm thay đổi năng lực và tinh thần của mỗi cá nhân. Họ trưởng thành hơn rất nhiều, trải nghiệm sống hơn. Tất cả sức sáng tạo chỉ để tìm ra ý tưởng quan điểm mới mẻ. Lên bậc đại học, đầu óc họ đã ở một vị trí rất khác so với người Mỹ cùng tuổi”.

Thế hệ Talpion

Trong quân đội Israel có một đơn vị với sự lựa chọn cực kỳ nghiêm ngặt và huấn luyện hà khắc ở mức cao hơn, đặc biệt trong lĩnh vực cải tiến công nghệ là Talpiot. Talpiot vừa là đơn vị có cơ chế tuyển chọn khắt khe nhất vừa có thời gian huấn luyện kéo dài nhất: 41 tháng, lâu hơn cả toàn bộ thời gian nghĩa vụ của hầu hết binh lính. Những ai tham gia chương trình này còn phải ký cam kết ở lại quân đội thêm sáu năm, nâng thời gian phục vụ tối thiểu trong quân đội của họ thành chín năm. Chương trình này là sản phẩm trí tuệ của hai nhà khoa học thuộc Đại học Hebrew là Felix Dothan và Shaul Yatziv, họ nảy ra ý tưởng này sau thất bại của Israel trước Ai Cập và Syria trong cuộc chiến năm 1973. Cuộc chiến là lời cảnh báo đắt giá rằng Israel phải bù đắp cho diện tích nhỏ và dân số ít ỏi của mình bằng cách duy trì thế mạnh về công nghệ và chất lượng. Hai giáo sư tìm đến bộ trưởng quốc phòng Israel khi đó là Rafael “Raful” Eitan với ý tưởng đơn giản: chọn ra một nhóm nhỏ những tài năng trẻ xuất chúng nhất của Israel và đào tạo để họ nắm bắt được những công nghệ chuyên sâu nhất mà các trường đại học và quân đội có thể nghĩ ra.

Ban đầu chỉ là một thử nghiệm kéo dài một năm, hiện nay chương trình này đã thực hiện liên tục trong 30 năm. Mỗi năm 2% học sinh phổ thông xuất sắc nhất của Israel - khoảng 2.000 người - được yêu cầu tham gia. Và cứ 10 người thì chỉ có một người vượt qua được hàng loạt bài sát hạch, chủ yếu về vật lý và toán học. 200 ứng viên này sau đó phải trải qua một cuộc kiểm tra kéo dài hai ngày về năng khiếu chuyên sâu và nhân cách. Một khi được gia nhập chương trình, học viên Talpiot phải trải qua kỳ thi lấy văn bằng đại học cấp tốc cho các môn toán học hoặc vật lý, cùng lúc làm quen với những nhu cầu công nghệ tại mọi chi nhánh thuộc quân đội Israel. Chương trình học thuật họ được đào tạo vượt xa kiến thức của một sinh viên đại học bình thường ở Israel hay bất kỳ đâu - họ phải học nhiều hơn trong thời gian ngắn hơn.

Tuy nhiên, cung cấp một lượng lớn các loại kiến thức cho học viên lại không phải mục tiêu cuối cùng của chương trình. Mục tiêu xa hơn là biến họ thành những nhà lãnh đạo có định hướng nhiệm vụ và có khả năng giải quyết các vấn đề. Nếu nhóm học viên vượt qua được hai hoặc ba năm đầu của khóa học, họ sẽ trở thành những “Talpion”, một danh phận có uy tín cả trong quân sự lẫn dân sự. Mặc dù chỉ có 650 người tốt nghiệp chương trình trong 30 năm qua, họ đã trở thành những học giả và người sáng lập các doanh nghiệp thành đạt hàng đầu của Israel. Nhiều công ty công nghệ của Israel có mặt trên NASDAQ đều do các Talpion thành lập hoặc có cựu sĩ quan Talpion nắm giữ những vị trí chủ chốt.

Dothan và Yatziv đã khẳng định các Talpion dễ dàng hoàn vốn đầu tư trong sáu năm phục vụ bắt buộc; 2/3 sĩ quan Talpiot tốt nghiệp dù làm trong giới học thuật hay các tập đoàn công nghệ cũng tiếp tục có những đóng góp to lớn cho xã hội và cho nền kinh tế, giúp củng số sức mạnh của đất nước theo nhiều cách khác nhau. Những Talpion có thể đại diện cho tầng lớp tinh hoa của tinh hoa trong quân đội Israel, nhưng chiến lược cơ bản đằng sau sự phát triển của chương trình là bằng chứng rõ ràng trong giới quân sự, cũng như một phần trong tập quán người Israel: đào tạo người lao động thành thạo nhiều chuyên môn, hơn là cực kỳ xuất sắc chỉ trong một lĩnh vực. Không phải ngẫu nhiên mà quân đội - đặc biệt là các đơn vị tinh nhuệ thuộc không quân, bộ binh, tình báo và công nghệ thông tin - đã đóng vai trò là lồng ươm cho hàng ngàn doanh nhân khởi nghiệp công nghệ cao của Israel.

Từ khi lập quốc, người Israel luôn cho rằng tương lai - dù gần hay xa - đều là dấu hỏi. Mỗi khoảnh khắc đều có tầm quan trọng chiến lược. Như Mark Gerson, một doanh nhân người Mỹ từng đầu tư vào vài doanh nghiệp mới thành lập của Israel, miêu tả: “Khi đàn ông Israel muốn hẹn hò với một phụ nữ, anh ta sẽ ngỏ lời với cô ấy ngay trong buổi tối hôm đó. Khi doanh nhân Israel có một ý tưởng, anh ta sẽ thực hiện nó ngay trong tuần. Quan điểm cho rằng nên tích lũy năng lực kinh nghiệm trước khi mở một doanh nghiệp hoàn toàn không tồn tại. Điều này lại rất tốt trong kinh doanh. Quá nhiều thời gian chỉ cho bạn thấy điều gì sẽ thất bại, chứ không phải thứ sẽ tạo ra sự thay đổi”.

DAN SENOR - SAUL SINGER
(TRÍ VƯƠNG dịch)

Quốc gia khởi nghiệp - Kỳ 2

Quốc gia khởi nghiệp - Kỳ 2

Tinh thần chutzpah חוצפה

Scott Thompson chủ tịch cựu giám đốc công nghệ của PayPal


Scott Thompson là chủ tịch kiêm cựu giám đốc công nghệ của PayPal, hệ thống thanh toán trực tuyến qua Internet lớn nhất thế giới. Ông đã hứa dành cho một chàng trai trẻ Shvat Shaked 20 phút để nghe anh trình bày giải pháp đối phó với nạn lừa đảo thanh toán trực tuyến, gian lận thẻ tín dụng và đánh cắp các thông tin điện tử khác.

Thompson không thể từ chối buổi gặp này vì đó là điều Benchmark Capital đã yêu cầu. Benchmark đã đầu tư khá nhiều vào eBay (có giá trị 18 tỉ USD cùng đội ngũ 16.000 nhân viên khắp thế giới), công ty mẹ của PayPal. Benchmark dự định đầu tư vào Công ty Fraud Sciences của Shaked, đặt tại Israel. Benchmark đã nhờ Thompson kiểm tra Shaked.

Chàng trai gây choáng PayPal

“Cậu có ý tưởng gì, Shvat?” - Thompson hỏi trong khi rất muốn kết thúc cuộc gặp càng sớm càng tốt. Shaked bắt đầu lặng lẽ: “Chúng tôi tin rằng thế giới chỉ có hai loại người: tốt và xấu. Và bí quyết đánh bại nạn lừa đảo qua mạng là sàng lọc hai loại người này ngay trên Internet”. Phải cố lắm Thompson mới không biểu lộ sự thất vọng. “Thế cậu định làm cách nào?”. “Người tốt thì hay để lộ dấu vết trên mạng, đây gọi là dấu chân điện tử, vì họ không có gì để che giấu cả - Shvat tiếp tục bằng giọng đậm chất Anh - Còn kẻ xấu thì không, vì chúng sẽ tìm cách ẩn mình. Tất cả những gì chúng ta cần làm là tìm ra các dấu chân. Việc này thật sự rất đơn giản”. Thompson hỏi: “Cậu học được điều này ở đâu?”. “Nhờ kinh nghiệm truy lùng khủng bố”, Shvat trả lời.

Số lượng các công ty Israel có tên trên sàn chứng khoán NASDAQ của Mỹ nhiều hơn tất cả các công ty của châu Âu cộng lại. Israel là quốc gia có mật độ các doanh nghiệp mới thành lập nhiều nhất thế giới, cứ 1.844 người Israel lại có một doanh nghiệp.

Năm 2008, vốn đầu tư bình quân đầu người ở Israel nhiều gấp 2,5 lần Mỹ, 30 lần so với châu Âu, 80 lần so với Trung Quốc và 350 lần so với Ấn Độ. Xét trên số liệu cụ thể, Israel - với dân số gần 8 triệu người - thu hút các nguồn đầu tư tương đương với số vốn do 61 triệu dân Anh, và 145 triệu dân Pháp và Đức cộng lại thu hút được.

Đơn vị của cậu được giao nhiệm vụ hỗ trợ truy bắt khủng bố bằng cách theo dõi các hoạt động trực tuyến của chúng. Bọn khủng bố sử dụng thông tin cá nhân giả để thực hiện các phi vụ chuyển tiền bất hợp pháp. Nhiệm vụ của Shvat là tìm kiếm những thông tin này trên mạng. “Được rồi, chúng ta hãy làm thế này nhé”, Thompson nói và ông giao cho Shvat 100.000 giao dịch đã được PayPal phân tích trước đó. Đây là những giao dịch khách hàng mà PayPal đã xử lý và họ phải loại bỏ một số dữ liệu để bảo mật thông tin khách hàng, nghĩa là công việc của Shvat sẽ còn khó khăn hơn. “Để xem cậu làm được gì - Thompson đề nghị - và trả kết quả cho chúng tôi. Chúng tôi sẽ đối chiếu kết quả của cậu với kết quả của công ty”. Thompson bàn giao dữ liệu cho Shvat vào thứ năm.

“Tôi tưởng rằng mình sẽ không gặp lại Shvat nữa, ít nhất là trong nhiều tháng”, Thompson nhớ lại, nên ông vô cùng ngạc nhiên khi nhận được email từ Israel vào chủ nhật, trong đó viết “Chúng tôi xong rồi”. Thompson không tin điều đó, việc đầu tiên ông làm vào sáng sớm ngày thứ hai là chuyển toàn bộ công trình của Shvat cho đội kỹ sư có bằng tiến sĩ để kiểm nghiệm, và phải mất đến một tuần để đối chiếu kết quả của Shvat với PayPal. Đến thứ tư, đội kỹ sư của Thompson đã rất kinh ngạc với những gì họ thấy: nhóm của Shvat cho ra kết quả chính xác hơn nhiều so với những gì PayPal đã làm được. “Tôi chỉ biết ngồi đó và sững người vì kinh ngạc - Thompson hồi tưởng - Chúng tôi là doanh nghiệp giỏi nhất trong lĩnh vực quản lý rủi ro nhưng lại bị một đội ngũ chỉ với 55 nhân viên người Israel đánh bại với lý thuyết phân biệt người tốt kẻ xấu”. Ông ước tính vào thời điểm đó, mức độ hiệu quả trong hệ thống của Fraud Sciences đã đi trước PayPal đến năm năm. Chỉ đầu tư vào Fraud Sciences không thôi thì chưa đủ, PayPal cần phải nhanh chóng thâu tóm công ty này ngay lập tức. Sau vài ngày đàm phán, Thompson và Shaked đồng ý con số 169 triệu đôla.

Chúng ta đều biết vào những năm 1970, chỉ những nhà khoa học nghiên cứu tên lửa và các trường đại học lớn mới sử dụng máy tính, vài máy tính lớn đến mức chiếm cả căn phòng, thậm chí cả tòa nhà. Ý tưởng về một chiếc máy tính cá nhân nằm gọn trên bàn làm việc chỉ là thứ sản phẩm của khoa học viễn tưởng. Song mọi thứ bắt đầu thay đổi vào năm 1980 khi nhóm Haifa của Intel thiết kế ra con chip 8088, với các bóng bán dẫn có thể tắt - mở khoảng 5 triệu lần mỗi giây (4,77 MHz), và có kích thước đủ nhỏ để tạo ra máy tính dùng trong văn phòng và nhà riêng. Tập đoàn IBM sau đó đã chọn chip 8088 của Intel làm não bộ cho máy tính cá nhân hay PC đầu tiên của hãng này, mở ra một kỷ nguyên mới cho máy tính. Từ đó trở đi, công nghệ điện toán ngày càng thu nhỏ về kích thước và nhanh hơn về tốc độ xử lý. Vào năm 1986, nhà máy sản xuất duy nhất tại nước ngoài của Intel ở Jerusalem đã cho ra đời chip 386, đạt tốc độ 33 MHz. Dù chỉ là một phần nhỏ so với tốc độ của bộ chip ngày nay, song tại thời điểm đó Intel đã gọi đây là một con chip “siêu nhanh”, gấp bảy lần chip 8088.

Sự cả gan

Những gì Scott Thompson trải nghiệm chính là liều thuốc đầu tiên của người Israel về tinh thần chutzpah חוצפה. Theo bản mô tả của học giả người Do Thái Leo Rosten bằng tiếng Yiddish, thứ ngôn ngữ Slavơ của người Đức đã thất truyền từ lâu, chutzpah - חוצפה có nghĩa là “táo bạo, gai góc, trắng trợn, thần kinh, vô liêm sỉ mà không ngôn từ nào có thể miêu tả chính xác”.

Người nước ngoài sẽ chứng kiến sự cả gan này ở bất kỳ đâu trên đất Israel: trong cách các sinh viên đại học nói chuyện với giảng viên, nhân viên thách thức ông chủ, binh lính chất vấn sĩ quan chỉ huy và thư ký sửa lưng các bộ trưởng chính phủ. Ai mới đến Israel sẽ thấy người bản xứ thật thô lỗ. Người Israel sẽ không ngại ngần hỏi bạn bao nhiêu tuổi hay khoe căn nhà họ ở và xe họ đi giá bao nhiêu tiền. Tuy nhiên, đối với người Israel, đây không phải là sự cả gan mà là điều hết sức bình thường. Người Israel học được rằng sự trầm lặng sẽ có nguy cơ bị tụt hậu, dù là ở nhà riêng, trên giảng đường hay trong quân đội.

Điều này đặc biệt rõ trong cách người Israel gọi tên nhau. Jon Medved, một nhà đầu tư mạo hiểm và là doanh nhân người Israel, nói: “Bạn có thể hiểu được nhiều về bản chất một xã hội thông qua cách người dân gọi tên giới lãnh đạo của họ. Israel là nước duy nhất trên thế giới mà mọi nhân vật nắm quyền - bao gồm cả thủ tướng và các tướng lĩnh trong quân đội - đều được mọi người, kể cả dân chúng, gọi bằng biệt hiệu”. Cụ thể, biệt danh của Thủ tướng Benjamin Netanyahu và Ariel Sharon lần lượt là “Bibi” và “Arik”. Vị tham mưu trưởng trong quân đội Israel gần đây là Moshe Levi sở hữu biệt danh “Moshe VeHetzi”, nghĩa là Moshe-và-một-nửa, do ông này cao đến 1,98m.

Thái độ và sự thân mật của người Israel còn được bắt nguồn từ nền văn hóa khoan dung mà người Israel gọi là “thất bại có tính xây dựng” hay “thất bại thông minh”. Giới đầu tư Israel tin rằng nếu không thông cảm với hàng loạt những thất bại này thì sẽ khó lòng đạt được sự đổi mới thật sự. Thật vậy, một nghiên cứu vào năm 2006 của Đại học Harvard cho thấy những doanh nhân từng thất bại sẽ có cơ may thành công cao hơn 20% ở lần khởi nghiệp tiếp theo của họ. Đây là tỉ lệ cao hơn so với những người khởi nghiệp lần đầu và không quá thua kém so với những doanh nhân từng đạt được thành công trước đó. Israel được xem là môi trường tốt nhất Trung Đông - và là một trong những nơi tốt nhất thế giới - để mở một công ty mới, kể cả khi doanh nghiệp cũ của bạn bị phá sản. Điều này còn có thể hiểu rằng người Israel luôn không ngừng nỗ lực tìm kiếm cơ hội mới.

Shmuel Eden - người từng phụ trách Intel ở Israel 


Shmuel Eden - người từng phụ trách Intel ở Israel đạt kim ngạch xuất khẩu hằng năm lên tới 1,53 tỉ đôla - đúc rút kinh nghiệm: “Tôi có thể khẳng định điều độc đáo nhất của Israel là nền văn hóa. Người dân Israel không có văn hóa quá kỷ luật. Từ thuở sơ khai, chúng tôi đã được dạy phải luôn nghi ngờ cái có sẵn, phải luôn đặt câu hỏi, tranh luận về mọi vấn đề và phải luôn sáng tạo”. Cuối cùng, ông kết luận: “Quản lý năm nhân viên người Israel luôn khó khăn hơn 50 người Mỹ. Vì người Israel luôn thử thách bạn mọi lúc - bắt đầu bằng những câu hỏi như: Tại sao ông là sếp của tôi, tại sao tôi không phải sếp của ông?”.

DAN SENOR - SAUL SINGER

(TRÍ VƯƠNG dịch)

Quốc gia khởi nghiệp - Kỳ 1

Quốc gia khởi nghiệp - Kỳ 1

Xin trích dẫn đăng quyển sách Quốc gia khởi nghiệp (Nhà Xuất Bản Thế Giới và Công ty Alpha Books).

Tìm kiếm cơ hội

Người Israel thích du lịch không chỉ để nhìn ngắm thế giới, ngọn nguồn của việc này còn sâu xa hơn nhiều. Cho đến gần đây, người Israel không thể du lịch đến những nước láng giềng dù chỉ cách Israel một ngày lái xe. Sự cô lập đã tồn tại từ trước khi có nhà nước Israel. Đến năm 1943, một cuộc tẩy chay chính thức đã diễn ra và kéo dài hơn khi Liên đoàn Ả Rập gồm 22 quốc gia cấm mua bán các sản phẩm của ngành công nghiệp Do Thái trên đất Palestine, năm năm trước khi nhà nước Israel chính thức thành lập. Lệnh cấm còn mở rộng ra những công ty nước ngoài ở bất kỳ quốc gia nào mua bán với Israel. Gần như mọi hãng xe hơi lớn của Nhật Bản và Hàn Quốc đều tuân thủ lệnh tẩy chay, và xe của các nước này không hề xuất hiện trên đường phố Israel.

Trong bối cảnh như vậy, việc giới trẻ Israel vừa tìm cách thoát khỏi thế giới Ả Rập đã tẩy chay họ, vừa muốn bày tỏ sự thách thức đối với chủ nghĩa phân biệt đó là điều tự nhiên. Họ như muốn nói: “Các vị càng cố nhốt chúng tôi bao nhiêu, chúng tôi càng muốn cho các vị thấy mình có thể thoát ra bấy nhiêu”. Cũng vì lý do này, chẳng có gì lạ khi Israel lại tận dụng những đấu trường như viễn thông, máy tính, phần mềm và Internet. Trong những ngành nghề này, các đường biên giới, khoảng cách và chi phí vận chuyển thật sự không còn liên quan đến nhau.

Vì Israel buộc phải xuất khẩu hàng hóa đến những thị trường rất xa, các doanh nghiệp Israel trở nên ác cảm với những mặt hàng to lớn, được sản xuất đại trà và chi phí vận chuyển cao, chỉ hứng thú với phần mềm và các linh kiện nhỏ gọn, vô danh. Ngược lại, chính điều này đã giúp củng cố vị trí hoàn hảo của Israel khi thế giới chuyển sang các nền kinh tế dựa trên tri thức và sự sáng tạo, một xu hướng vẫn tiếp diễn đến ngày nay. Ngày nay, các công ty Israel gắn kết chặt chẽ với nền kinh tế Trung Quốc, Ấn Độ và Mỹ Latin. Bởi Israel đã sớm ưu tiên phát triển ngành viễn thông, mọi công ty điện thoại lớn của Trung Quốc đều dựa vào phần mềm và thiết bị viễn thông của Israel. Người Israel đang bỏ xa các đối thủ quốc tế của họ trong việc xâm nhập những thị trường như vậy, một phần vì họ phải nhảy cóc khỏi vùng trũng Trung Đông và tìm kiếm các cơ hội mới.

Một ví dụ rõ nét cho tinh thần quốc tế của người Israel là Netafim, doanh nghiệp lớn nhất thế giới cung cấp hệ thống tưới tiêu theo phương pháp nhỏ giọt.

Thành lập năm 1965, Netafim là ví dụ hiếm hoi của một công ty đóng vai cầu nối giữa nền nông nghiệp lạc hậu của Israel trong quá khứ với sự bùng nổ của công nghệ sạch hiện tại.



Netafim do Simcha Blass sáng lập, ông là kiến trúc sư của một trong những dự án cơ sở hạ tầng lớn nhất được xây dựng trong những năm đầu của nhà nước Israel. Ý tưởng về công nghệ tưới nhỏ giọt đến với Blass khi ông quan sát một cái cây đang lớn trên sân nhà hàng xóm mà dường như “không cần nước”. Thật ra, cái cây khổng lồ này đã sống nhờ nguồn nước rò rỉ từ lỗ thủng của một ống nước ngầm.



Netafim đi tiên phong không chỉ vì hệ thống này đã phát triển một cách làm sáng tạo giúp tăng sản lượng cây trồng lên 50% trong khi giảm 40% lượng nước tưới tiêu, mà đó còn là một trong những ngành công nghiệp đầu tiên trên thế giới áp dụng mô hình nông trang. Nhưng lợi thế thật sự của Netafim là việc không ngại di chuyển đến những nơi xa xôi để tìm kiếm các thị trường đang rất cần sản phẩm của họ - những nơi mà vào thập niên 1960 và 1970, giới doanh nghiệp phương Tây không màng viếng thăm. Kết quả là giờ đây Netafim hoạt động ở hơn 110 quốc gia trên khắp thế giới, trong đó có Việt Nam. Nhờ tính ưu việt trong công nghệ của Netafim, chính phủ của các quốc gia thù địch trước kia đã mở lại các kênh ngoại giao.

Giới thiệu đất nước thay vì công ty

Nhiều doanh nhân nổi tiếng thế giới của Israel không chỉ truyền bá công nghệ mà còn tìm cách “chào bán” cả nền kinh tế Israel. Jonathan Medved thâm nhập lĩnh vực đầu tư và thành lập Israel Seed Partners, một công ty đầu tư mạo hiểm, ngay trong gara của ông ở Jerusalem. Nguồn quỹ của công ty lên đến 260 triệu đôla và ông đã đầu tư vào 60 doanh nghiệp Israel, trong đó có hai doanh nghiệp được niêm yết trên sàn chứng khoán Nasdaq (Mỹ).

Năm 2006, Medved rời Israel Seed Partners để thành lập và điều hành công ty riêng - Vringo, một đơn vị tiên phong trong lĩnh vực sản xuất nhạc chuông video cho điện thoại di động sau này, đã nhanh chóng thâm nhập thị trường châu Âu và Thổ Nhĩ Kỳ. Nhưng Công ty Vringo chưa phải là điều quan trọng nhất. Medved đã dành rất nhiều thời gian để đi diễn thuyết về nền kinh tế Israel. Trong các bài diễn thuyết và những cuộc trò chuyện với bất kỳ ai chịu lắng nghe, Medved luôn tán dương những cột mốc “đầu tư” mà ở đó các công ty được mua lại hay được niêm yết, và liệt kê ra rất nhiều công nghệ “made in Israel”.



Trong số các công ty khởi nghiệp mà Medved ca ngợi trong bài diễn thuyết của mình, hiếm khi ông nhắc đến những công ty mà ông góp vốn. Ông luôn trăn trở mỗi khi chuẩn bị bài diễn thuyết: “Tôi có nên ca ngợi Vringo trong số những công ty mới đầy hứa hẹn của Israel không? Làm thế mới đúng chứ? Vì đó là sự quảng bá tốt cho công ty”. Rồi ông đã kiềm chế được sự thôi thúc đó. “Ưu tiên của tôi là đất nước Israel. Những nhà đầu tư Mỹ thường tranh cãi với tôi về việc này: “Ông đã nâng đỡ cho các công ty đối thủ thay vì công ty của chính mình”. Họ nói đúng. Nhưng họ đã quên mất vấn đề lớn hơn”.

Medved hoạt động không mệt mỏi. Ông đã diễn thuyết 50 lần mỗi năm suốt 15 năm vừa qua tại các hội thảo công nghệ và trường đại học trên khắp thế giới, ở 40 quốc gia, ghi điểm với các quan chức quốc tế đến thăm Israel. Alex Vieux, CEO của tạp chí Red Herring, nói rằng ông đã có mặt tại “hàng triệu hội thảo về công nghệ ở nhiều châu lục. Lúc nào tôi cũng thấy người Israel như Medved đang diễn thuyết cùng những đồng nghiệp từ các nước khác. Những người khác luôn giới thiệu về công ty của họ, nhưng người Israel luôn giới thiệu đất nước Israel”.

DAN SENOR - SAUL SINGER (Trí Vương dịch)